“Cỏ Lùng Trong Ruộng”: “Lừa Được Nhiều Người”

 

 

 Chính việc lan tràn nhanh chóng của “cỏ lùng trong ruộng” hiện nay cũng đủ chứng tỏ phẩm chất rất thời trang của hiện tượng này, một phẩm chất có khả năng thu hút đến “lừa được nhiều người”, một phẩm chất được bản Instrumentum Laboris của Thượng Hội Giám Mục Úc Châu  diễn tả như sau:

 

“Thường thấy họ (các trào lưu tân giáo ngoài Giáo Hội) tỏ ra có cảm tình nồng nàn, thông cảm, nhiệt tình và săn đón trong một nhóm nhỏ gắn bó chặt chẽ với nhau, một cảm nghiệm mà có những người Công Giáo thấy như bị thiếu hụt nơi cộng đoàn của mình. Âm nhạc, ca hát, nhảy múa, giảng dạy hùng hồn và nói tiếng lạ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút người ta tham gia vào các đạo này, nhất là đám trẻ. Các tôn giáo ấy thường lấp đầy cái trống rỗng của cảm xúc mà người ta đang tìm kiếm cho ý nghĩa cuộc đời… Các người Công Giáo, vì bị trục trặc với vị linh mục hay với nhân viên mục vụ, hoặc bởi tình trạng hôn nhân bất bình thường của mình, đôi khi cũng bị lôi cuốn theo họ. Những đạo này dùng Thánh Kinh để làm cho người thành tín vô tư lo sợ đến phần rỗi của mình. Họ chú ý tới việc thăm viếng từng gia đình, thường lợi dụng vào những lúc con người đang gặp phải phiền sầu, bệnh tật hay khủng hoảng bản thân. Họ tỏ ra tích cực trong việc đối xử với người ta và làm cho người ta cảm thấy tự nhiên sinh hoạt trong cộng đoàn của mình…” (đoạn 30).

 

Đúng thế, văn kiện “Các Giáo Phái hay Các Trào Lưu Tân Giáo” (Sects or New Religious Movements) do Văn Phòng Phát Động Hiệp Nhất Kitô Giáo của Tòa Thánh Rôma phổ biến ngày 3 tháng 5-1986 cũng đã khảo sát rất kỹ lưỡng hiện tượng “cỏ lùng trong ruộng” rất thời trang này như sau:

 

“Những lý do đưa đến thành công nơi các người Công Giáo thực sự có nhiều và có thể nhận thấy ở một số lãnh vực. Những lý do này nói chung có liên quan đến những nhu cầu và những khát vọng dường như không tìm thấy nơi các giáo hội chính. Những lý do này cũng dính dáng đến những kỹ thuật chiêu mộ và huấn luyện của các giáo phái…

 

“Hiện tượng này như là một triệu chứng gây ra bởi các cấu tạo tha hóa nơi xã hội đương thời, phần nhiều phát xuất từ Tây Phương rồi được quảng biến khắp thế giới, các cơ cấu tha hóa tạo nên biết bao nhiêu là tình trạng khủng hoảng trên bình diện cá nhân cũng như xã hội. Những tình trạng khủng hoảng này cho thấy các nhu cầu, các khát vọng và các vấn nạn khác nhau cần phải có đáp ứng về tâm lý cũng như tinh thần. Các giáo phái nhận mình nắm trong tay và ban phát những đáp ứng ấy. Họ thực hiện việc này trên cả lãnh vực cảm tình lẫn tri thức, song thường đáp ứng các nhu cầu tình cảm bằng đường lối làm mù quáng các tài năng tri thức.

 

“Các nhu cầu và khát vọng căn bản này có thể được thấy nơi rất nhiều những bộc lộ của việc con người tìm kiếm tầm vóc viên trọn và hòa hợp, việc dự phần và hiện thực, ở tất cả mọi lãnh vực hiện hữu cũng như cảm nghiệm của con người; chúng cũng có thể được thấy nơi rất nhiều nỗ lực đáp ứng việc con người tìm kiếm chân lý và ý nghĩa cuộc đời, tìm kiếm các giá trị nội tại là những gì, trong một số trường hợp, dường như bị che đậy, đổ vỡ hay mất đi theo giòng lịch sử đại đồng cũng như cá nhân, nhất là trong trường hợp của thành phần bị đảo lộn vì đổi thay nhanh chóng, vì bị dồn nén căng thẳng, vì sợ hãi v.v. (1.5)

 

“Những nhu cầu và khát vọng này có thể được đúc kết thành chín đầu đề chính… (2)

 

Tìm cầu nơi nương tựa (theo nghĩa đoàn thể): Cơ cấu của nhiều cộng đồng đã bị hủy hoại; các lối sống cổ truyền bị xáo trộn; gia đình tan nát; người ta cảm thấy mất gốc và lẻ loi. Bởi vậy mới có nhu cầu nương tựa… Các giáo phái tỏ ra: cử chỉ nồng hậu, săn sóc và nâng đỡ theo tình người trong các cộng đoàn gắn bó nho nhỏ… (2.1.1).

 

Tìm cầu các giải đáp: Trong những trường hợp phức tạp và bối rối, theo tự nhiên người ta đi tìm kiếm những giải đáp và giải quyết. Các giáo phái tỏ ra: có những giải đáp giản dị và tiện lợi (ready-made) cho các vấn đề và trường hợp phức tạp;… có một thứ thần học thực tiễn (pragmatic theology), một thứ thần học lợi lộc… (2.1.2)

 

Tìm cầu viên trọn thể: Nhiều người cảm thấy tách lìa với bản thân mình, với người khác, với văn hóa và môi sinh của họ. Họ cảm thấy đổ vỡ. Họ bị tổn thương bởi cha mẹ hay thầy cô, bởi Giáo Hội hay xã hội… Họ cần được chữa lành, kể cả về phần xác… Các giáo phái tỏ ra: … có thể chữa lành thể lý và tâm linh; có thể giải quyết vấn đề nghiện hút và nghiện ngập… (2.1.3)

Tìm cầu văn hóa bản:… Nơi nhiều xứ sở thuộc Thế Giới Đệ Tam, xã hội thấy mình bị tách lìa rất nhiều với văn hóa cổ truyền, với các giá trị xã hội và tôn giáo… . Các giáo phái tỏ ra: nhiều chỗ cho tôn giáo hay văn hóa cổ truyền, … có lối nguyện cầu và giảng dạy gần gũi hơn với các tính chất văn hóa cũng như với các khát vọng của người ta. (2.1.4)

 

“Nhu cầu cần được biết đến, được nổi nang: Người ta cảm thấy cần vượt ra khỏi tình trạng vô danh tiểu tốt, cần làm nên cho mình một cá biệt, cần cảm thấy nổi nang cách náo đó chứ không phải chỉ là một con số hay chỉ là một phần tử mất hút trong đám đông… . Các giáo phái tỏ ra: quan tâm đến cá nhân; có các cơ hội để thi hành thừa tác vụ và vai trò lãnh đạo, cơ hội để tham gia, chứng tỏ, phát biểu… (2.1.5)

 

Tìm cầu siêu việt tính: Việc tìm cầu này nói lên một nhu cầu tâm linh sâu xa, một động lực thần hứng trong việc tìm kiếm một cái gì đó vượt ra ngoài cái cụ thể, trực tiếp, quen thuộc, khả chế và vật chất, để tìm giải đáp cho những vấn nạn tối hậu của đời sống, cũng như để tin vào một điều gì đó có thể làm đổi thay cuộc sống con người một cách đặc biệt. Các giáo phái tỏ ra:… có thể giúp học hiểu Thánh Kinh; hiểu biết về ơn cứu độ; có các tặng ân Thần Linh; giúp suy niệm… (2.1.6)

 

Tìm cầu linh hướng: Thiếu sự nâng đỡ của cha mẹ trong gia đình hay thiếu khả năng lãnh đạo, kiên nhẫn và tự nguyện dấn thân về phía các vị lãnh đạo giáo hội hay các nhà giáo. Các giáo phái tỏ ra: có thể hướng dẫn bằng khả năng lãnh đạo tài khéo vững vàng. Con người của vị sư phụ, của nhà lãnh đạo, của cố đạo (guru) đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho các đồ đệ cảm phục… (2.1.7)

 

Tìm cầu nhãn quan: Thế giới ngày nay là một thế giới liên thuộc của hận thù và tương khắc, của võ lực và sợ bị hủy diệt. Người ta cảm thấy lo sợ về tương lai; họ thường cảm thấy chán chường, vô dụng, vô vọng và bất lực. Họ tìm kiếm những dấu hy vọng, tìm một lối thoát. Một số người có ước vọng, cho dù mơ hồ, trong việc kiến tạo nên một thế giới khá hơn. Các giáo phái tỏ ra: cho thấy một nhãn quan mới về bản thân, về nhân loại, về lịch sử, về vũ trụ. Họ hứa hẹn khởi sự cho một tân thời, một tân kỷ nguyên. (2.1.8)

 

Tìm cầu dự phần và tham gia:… Nhiều người tìm cầu chẳng những cảm thấy cần một nhãn quan trong xã hội của thế giới hiện nay cũng như hướng về tương lai, họ còn muốn dự phần vào việc quyết định, phác họa và thực hiện nữa. Các giáo phái tỏ ra: cho thấy họ có một sứ mệnh kiến tạo nên một thế giới khá hơn, có một ơn gọi toàn hiến, một tham phần ở hầu hết các lãnh vực. (2.1.9)

 

Tóm lại, người ta có thể nói rằng, các giáo phái tỏ ra sống những gì họ tin tưởng, với một xác tín (thường có sức hấp dẫn) mãnh liệt, nhiệt tình và dấn thân; họ chịu khó giao tiếp với người chung quanh một cách nống hậu, thân tình, và trực tiếp kéo cá nhân ra khỏi tình trạng khuất dạng, kêu mời tham phần, sáng tạo, trách nhiệm, dấn thân…, họ thực hiện việc tận tình liên lạc bằng nhiều lần giao tiếp, viếng thăm, tiếp tục nâng đỡ và hướng dẫn. Họ giúp vào việc cắt nghĩa lại cảm nghiệm của người ta, việc tái thẩm định các giá trị của người ta, và việc giải quyết những vấn đề tối hậu bằng đường lối bao gồm hết mọi sự… Tóm lại, họ tỏ ra cho thấy họ là một giải đáp duy nhất, là tin mừng trong một thế giới biến động”.